THỦ TƯỚNG: CÁC DOANH NGHIỆP UAE HÃY XEM VIỆT NAM LÀ ĐỊA CHỈ TIN CẬY

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng đầu tư; đặc biệt là với UAE có nhiều quỹ đầu tư hãy xem Việt Nam là địa chỉ tin cậy để gửi gắm.

Sáng 2/12, tại Dubai – UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh với sự tham dự của 50 doanh nghiệp Việt Nam và 120 doanh nghiệp UAE.

Chúng tôi muốn chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo

Ông Ben Backwell, Giám đốc Hội đồng năng lượng gió toàn cầu – GWEC nhắc lại cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) năm 2021 và cho biết, hội đồng đã tham gia hợp tác về điện gió với Việt Nam nhiều năm và nhận thấy tiềm năng lớn lao ở đất nước hình chữ S.

Ông chúc mừng Việt Nam đã công bố kế hoạch thu hút nguồn lực với mục tiêu, hoài bão lớn lao hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh.

“Chúng tôi mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, mang đến nguồn năng lượng ngày càng một xanh hơn, cùng với sự tham gia của các bên để đạt được những mục tiêu trong chuyển đổi năng lượng”, ông Ben Backwell nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần ‘lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ’

​Ông cũng bày tỏ mong muốn Việt Nam tham gia nhóm 16 quốc gia cùng trao đổi điện gió ngoài khơi, phát triển mạnh mẽ loại điện năng này với chi phí cạnh tranh hơn.

Để thực hiện điều này, Giám đốc GWEC kỳ vọng Việt Nam sẽ có những chính sách liên quan đến việc tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng gió như cơ chế thành lập ủy ban liên bộ thúc đẩy quá trình phát triển điện gió ngoài khơi, ban hành các giấy phép khảo sát điện gió ngoài khơi…

“Chúng tôi muốn chung tay cùng Việt Nam thúc đẩy năng lượng tái tạo và sẵn sàng hỗ trợ, làm việc cùng quý vị”, ông Ben Backwell nói.

Ông Kelvin Tan, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư tài chính bền vững khu vực ASEAN, Ngân hàng HSBC cho biết, thế giới cần 6.700 tỉ USD mỗi năm để đạt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 đến 2050. Việt Nam đã có quy hoạch điện 8 với nhu cầu đầu tư rất lớn.

Vì vậy, đặt ra yêu cầu cần thiết với Việt Nam là liên minh trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các dự án này đều có nguồn vốn lớn, khoản vay dài hạn, đòi hỏi hợp đồng mua bán điện phù hợp. Các bên tham gia phải có độ xếp hạng tín nhiệm cao, tránh những rủi ro về chính trị, tỷ giá.

Việt Nam không thể đơn thân độc mã trong quá trình này mà cần liên minh với các bên tham gia mạnh nhất và có mối quan tâm đến môi trường và xã hội.

“Việt Nam có lịch sử tốt về cho vay tài chính. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam có thể tận dụng lợi thế liên quan đến các hoạt động năng lượng tái tạo với các nhà đầu tư và cần có khuôn khổ pháp lý, đặc biệt là về điện gió ngoài khơi, các hợp đồng mua bán điện để có nguồn năng lượng tái tạo vừa túi tiền, phù hợp với người dân”, ông Kelvin Tan nói.

“Chúng tôi không phụ niềm tin của các bạn” 

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ một số thông tin có yếu tố nền tảng để các bạn yên tâm đầu tư lâu dài và phát triển chiến lược của mình tại Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trước hết là về thể chế mà các doanh nghiệp vừa đề cập để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua thách thức.

Thứ 2 là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí đầu vào, chi phí logistic, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm.

Thứ 3 là cải cách thủ tục hành chính và đào tạo nhân lực. Thủ tục phải đơn giản, tránh phiền hà sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp và “các bạn đến đầu tư mà thiếu nhân lực thì không có hiệu quả”.

“Cơ chế chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh sẽ góp phần tạo cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.

Một yếu tố nữa theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh thế giới và trong nước “khó khăn thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi”, Việt Nam vẫn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác quốc tế

​Trả lời cho câu hỏi Việt Nam cần gì để phát triển xanh, Thủ tướng thẳng thắn trả lời: “Chúng tôi cần vốn ưu đãi”. Vì Việt Nam là nước đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Việt Nam cần huy động nguồn lực trong và ngoài nước, hợp tác song phương và đa phương, cùng với các nguồn lực khác để chuyển đổi xanh. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam cần công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến…

“Các doanh nghiệp có quản trị tiên tiến, cách làm hay thì đã trưởng thành hàng chục năm nay, chúng tôi rất cần kinh nghiệm quản trị như vậy”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam ngỏ lời.

Cùng với đó là xây dựng thể chế thông thoáng, phù hợp hoàn cảnh, văn hóa Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình thực thi, phát triển chiến lược của mình tại Việt Nam.

Từ đó, Thủ tướng đưa ra một số lợi thế cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam như hỗ trợ tháo gỡ về pháp lý như xây dựng giá cả thế nào cho phù hợp, phương thức thanh toán thuận lợi, cách thức tổ chức làm sao đầu tư ít nhưng lợi ích cao…

“Chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị bởi thực tiễn rất phong phú. Khi chúng ta vận hành công cụ pháp lý nào cũng khó bao phủ hết góc cạnh cuộc sống. Thực tiễn bây giờ thay đổi nhanh nên Việt Nam cần thích ứng linh hoạt kịp thời”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng đầu tư; đặc biệt với UAE có nhiều quỹ đầu tư, hãy xem Việt Nam là địa chỉ tin cậy để gửi gắm.

“Chúng tôi không phụ niềm tin của các bạn. Đã tin cậy rồi càng tin cậy, đã phát triển rồi càng phát triển hơn nữa, đã yêu quý nhau rồi thì yêu quý hơn nữa”, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cam kết đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

​Nhân dịp này, Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác quốc tế, gồm: 

Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT Group và Tập đoàn ACX về thiết lập, tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon.

Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn CT Group và Tập đoàn FairAtmos về thiết lập và tăng cường giao dịch tín chỉ carbon, giảm phát thải carbon…

Nguồn: Vietnamnet

Bài cùng chuyên mục

LÒNG BIẾT ƠN VÀ VĂN HÓA KỶ LUẬT: KHÁM PHÁ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẸP TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC

Ngày 24/8 vừa qua, tại Tập đoàn CT Group đã diễn ra workshop đặc biệt…

THỰC HÀNH ESG – XU THẾ TẤT YẾU CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

THỰC HÀNH ESG – XU THẾ TẤT YẾU CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM PHÁT TRIỂN…

KINH TẾ TUẦN HOÀN VỚI THỊ TRƯỜNG TÍN CHỈ CARBON – CƠ HỘI CHO NGÀNH LÂM NGHIỆP VIỆT NAM.

Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) – thành viên tập đoàn CT Group…

error: Content is protected !!