PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CARBON: HUY ĐỘNG CÁC NGUỒN LỰC

Thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam được xây dựng phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng phát triển của quốc gia, cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với quốc tế và xu hướng phát triển thị trường tín chỉ carbon toàn cầu; góp phần tận dụng tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước trong việc tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Vận hành, phát triển thị trường carbon

Nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc đã tổ chức nhiều Hội nghị về biến đổi khí hậu để tìm ra các phương án hiệu quả và thiết thực nhất. Theo đó, trao đổi carbon được coi là một trong những công cụ quan trọng nhất trong việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường sẽ được thực hiện thông qua tín chỉ hay còn gọi là tín chỉ carbon.

Các Tuabin điện gió của Nhà máy điện gió số 7 tại vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đi vào hoạt động. Ảnh minh họa: Trung Hiếu/TTXVN

Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.

Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Tại Việt Nam, thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện cả nước có 1.912 doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm kê khí nhà kính và đáp ứng hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp sẽ tham gia giảm phát thải khí nhà kính. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, ban hành các cơ chế quản lý toàn bộ tín chỉ carbon, tiến tới sẽ thiết lập hệ thống đăng ký quốc gia. Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức có lượng tín chỉ tạo ra trên cả nước sẽ phải đăng ký trên hệ thống này. Khi có trao đổi ra nước ngoài, cần báo cáo cho cơ quan quản lý, bởi hoạt động này ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu giảm phát thải chung.

Khi thị trường trong nước đi vào hoạt động, nhu cầu tín chỉ carbon sẽ tăng lên và sẽ cần có thêm nguồn hàng hóa tín chỉ trong tương lai. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có thêm các quy định hướng dẫn cụ thể việc trao đổi, mua bán tín chỉ tại thị trường trong nước, quy định quản lý hoạt động trao đổi, mua bán tín chỉ carbon ra quốc tế. Nguồn lợi từ thị trường quốc tế rất lớn và nhu cầu rất cao, nhưng Việt Nam vẫn phải ưu tiên thực hiện các mục tiêu giảm phát thải quốc gia đến năm 2030 và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thực hiện các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh, nhiều chính sách tài chính đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các chủ trương này, góp phần tạo điều kiện huy động và thu hút nguồn lực đầu tư hướng tới tăng trưởng xanh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, từ nay đến hết năm 2027, Bộ sẽ tập trung xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Với vai trò là cơ quan được giao chủ trì xây dựng, thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon và ban hành cơ chế quản lý tài chính cho hoạt động của thị trường carbon, Bộ Tài chính đang nghiên cứu xây dựng Đề án Phát triển thị trường carbon để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thúc đẩy dự án tín chỉ carbon

Năm 2023 đánh dấu mốc rất quan trọng khi lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) thu về 51,5 triệu USD (gần 1.250 tỷ đồng). Đây là kết quả của việc thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) ký vào ngày 22/10/2020 giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB).

Nguồn tiền thu được từ bán tín chỉ carbon rừng sẽ dùng để chi trả cho các chủ rừng được giao quản lý rừng tự nhiên, Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến thực hiện các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, góp phần giảm mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng.

CT Group trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn CT Group chính thức ra mắt Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA), trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam khởi động sàn giao dịch tín chỉ carbon, chủ động thích ứng chính sách thương mại về môi trường quốc tế, đồng thời hướng tới nền kinh tế carbon thấp và có tốc độ phát triển vượt bậc.

Theo bà Hoàng Bạch Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn CT Group, việc Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN được kích hoạt ở Việt Nam sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chuyển sang công nghệ sạch hơn, ít carbon và hiệu quả hơn. Bên cạnh mục tiêu giảm lượng khí thải carbon và giúp đạt được cam kết Net zero vào năm 2050. Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN còn đầu tư nghiên cứu ứng dụng Blockchain cho thị trường carbon, đảm bảo sự minh bạch, tin cậy cao nhất và hiệu quả trong việc quản lý, cấp phát, chuyển giao, tính toán, theo dõi tín chỉ carbon.

Công ty Cổ phần Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN đã ký kết hợp tác với Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển, các đơn vị nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính và đơn vị kiểm định quốc tế…cộng hưởng các nguồn lực cùng kiến tạo những giải pháp đột phá, ứng dụng công nghệ xanh giảm phát thải carbon, phối hợp tổ chức các Chương trình Chuyển đổi Xanh, vì mục tiêu Net Zero.

Việt Nam hiện có 28 tỉnh, thành có biển với 125 huyện ven biển, trải dọc theo bờ biển dài hơn 3.260 km. Do đó, rừng ngập mặn có tầm quan trọng trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và phát triển bền vững cũng như trong việc tăng cường khả năng chống chịu khí hậu và tăng trưởng xanh.

Rừng ngập mặn không chỉ là nguồn tài nguyên quý giá của cộng đồng, địa phương mà còn là thành phần quan trọng đóng góp vào hệ sinh thái “carbon xanh” của Việt Nam. Trong khuôn khổ Chương trình toàn cầu Lời hứa khí hậu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc do Chính phủ Anh hỗ trợ, Chương trình tiến hành đánh giá trữ lượng carbon ở 28 tỉnh ven biển Việt Nam và xác định các lộ trình tài chính bền vững cũng như tiềm năng của thị trường carbon tại Việt Nam.

Hướng tới thị trường carbon, FPT IS (Công ty thành viên của Tập đoàn FPT) cùng Carbon EX – nền tảng giao dịch tín dụng carbon, chứng chỉ năng lượng tái tạo tại Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác cung cấp dịch vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy dự án tín chỉ carbon theo các tiêu chuẩn toàn cầu như Verra Carbon Standard, Gold Standard, J-Credit. Sự hợp lực của hai bên là mô hình đột phá để đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện mục tiêu Net Zero năm 2050.

Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng Phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình triển khai, một số cơ sở đã chủ động liên hệ với cơ quan chuyên môn của Bộ để trao đổi về các nội dung, trách nhiệm cần thực hiện. Điều này cho thấy sự quan tâm và nhận thức của các cơ sở trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đã và đang được nâng cao.

Có thể thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp và địa phương là quan trọng để có thị trường carbon hoạt động hiệu quả trên toàn quốc, hướng đến mục tiêu chung là giảm phát thải khí nhà kính và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Bài cùng chuyên mục

ĐOÀN CỨU TRỢ CT GROUP MANG YÊU THƯƠNG ĐẾN PHÚ THỌ, YÊN BÁI, TUYÊN QUANG, LÀO CAI

Trong những ngày qua, chuyến xe chở đầy yêu thương từ Tập đoàn CT Group đã lăn…

LÒNG BIẾT ƠN VÀ VĂN HÓA KỶ LUẬT: KHÁM PHÁ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẸP TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC

Ngày 24/8 vừa qua, tại Tập đoàn CT Group đã diễn ra workshop đặc biệt…

THỰC HÀNH ESG – XU THẾ TẤT YẾU CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

THỰC HÀNH ESG – XU THẾ TẤT YẾU CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM PHÁT TRIỂN…

error: Content is protected !!