TÍN CHỈ CARBON LÀ CHUYỆN TIỀN TƯƠI, THÓC THẬT

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ này. Theo lộ trình, đến năm 2025 nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon.

Càng tăng diện tích rừng và bảo vệ rừng thì càng làm tăng tín chỉ carbon. Trong ảnh: rừng bằng lăng Đà Cộ, Nam Cát Tiên, Đồng Nai – Ảnh: TĂNG A PẨU

​Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tăng Thế Cường – cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường – cho biết sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính là cam kết lâu dài của Chính phủ tại COP26.

Đây cũng là xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng phổ biến tại các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU. Chuyển đổi sang sản xuất xanh cũng là xu thế mà nhiều nước đang theo đuổi để hướng tới mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào giữa thế kỷ này.

Đã thu 1.200 tỉ đồng

* Ngân hàng Thế giới (WB) vừa chi 51,5 triệu USD để mua hàng triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây có phải là động lực để chúng ta thúc đẩy giao dịch tín chỉ carbon, tiến tới lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, thưa ông? 

– WB chi 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) để mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trong giai đoạn 2018 – 2024 là một tín hiệu tích cực trong việc thúc đẩy lập sàn giao dịch carbon vào năm 2025, tạo nguồn tài chính cho VN.

Giá trung bình WB mua là 5 USD/tín chỉ carbon, khá cao nhưng WB vẫn để lại cho VN tới 95% để đóng NDC (đóng góp do quốc gia tự quyết định về giảm phát thải khí nhà kính).

Một phần khoản tiền này sẽ quay lại hỗ trợ các địa phương Bắc Trung Bộ trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân giữ rừng. Bản chất ký kết giữa WB với VN trong việc mua 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng tại Bắc Trung Bộ không hẳn mang tính thị trường.

Đây là khoản hợp tác, hỗ trợ VN trong bảo vệ, phát triển rừng, giảm phát thải khí nhà kính. WB có một quỹ về hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng tại các quốc gia có diện tích rừng lớn và thay vì đưa tiền tài trợ cho VN, họ yêu cầu chúng ta phải cam kết bảo vệ, phát triển rừng, lượng hấp thụ carbon khu vực rừng mà WB đã mua VN không được bán cho đối tác khác.

Tín chỉ carbon là gì? 

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.

* Còn theo thông lệ hiện nay, việc mua bán tín chỉ carbon sẽ diễn ra như thế nào? 

– Mua bán tín chỉ carbon bình thường sẽ phải đưa lên sàn giao dịch, ai trả cao người đó mua. Bản chất giao dịch giữa WB và các tỉnh Bắc Trung Bộ chỉ là trao đổi lượng hấp thụ carbon từ rừng, hướng tới giảm nhẹ phát thải. Thị trường carbon không chỉ hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Những công cụ hỗ trợ giảm phát thải carbon hiện nay ngoài các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn có những công cụ kinh tế, thuế.

VN lựa chọn vận hành thị trường carbon để giảm phát thải khí nhà kính. Chúng ta hướng tới một thị trường carbon tuân thủ, có sàn giao dịch, bắt buộc các đối tượng liên quan phải thực thi. Mặt hàng chính trên sàn giao dịch carbon là hạn ngạch phát thải khí nhà kính áp cho từng doanh nghiệp và tín chỉ carbon chỉ là mặt hàng bù đắp.

Theo lộ trình, sàn giao dịch carbon sẽ vận hành thí điểm vào năm 2025. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng ban hành tổng hạn ngạch phát thải cho từng giai đoạn, qua đó sẽ phân bổ hạn ngạch phát thải carbon cho các doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính.

Ví dụ các doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép, nhiệt điện muốn tăng sản lượng, sản xuất, vượt hạn ngạch phát thải được phân bổ thì phải mua lại hạn ngạch phát thải từ các doanh nghiệp phát thải ít, kiểm soát tốt lượng phát thải trong sản xuất, chưa sử dụng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ.

Như vậy những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất xanh, sạch, chưa dùng hết hạn ngạch phát thải được phân bổ có thể bán hạn ngạch phát thải cho các doanh nghiệp phát thải nhiều, vượt quá hạn mức để thu lợi ích kinh tế. Dự kiến trong năm 2024, Cục Biến đổi khí hậu sẽ cập nhật danh mục các doanh nghiệp, cơ sở thuộc diện áp trần phát thải.

* Có 1.912 doanh nghiệp thuộc diện Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu phải kiểm kê, báo cáo mức độ phát thải khí nhà kính (chủ yếu là phát thải carbon). Những doanh nghiệp này thuộc nhóm ngành nghề nào, việc kiểm kê sẽ được tiến hành ra sao? 

– Doanh nghiệp thuộc diện phải kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất thời gian qua thuộc bốn lĩnh vực: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, quản lý chất thải. Sắp tới sẽ bổ sung thêm lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, như vậy sẽ có năm lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê.

Việc kiểm kê mức độ phát thải khí nhà kính đã được triển khai từ năm 2023. Các doanh nghiệp thuộc diện kiểm kê đã cung cấp thông tin, số liệu cho các bộ chuyên ngành: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường. Sắp tới sẽ bổ sung thêm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thời điểm phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp là năm 2025. Việc phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính phụ thuộc vào số liệu kiểm kê, báo cáo của doanh nghiệp. Từ số liệu kiểm kê của doanh nghiệp, các bộ ngành sẽ tính toán định mức phát thải trên đơn vị sản phẩm, qua đó thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải, áp trần phát thải khí nhà kính cho từng doanh nghiệp theo năm.

Năm 2000, khu rừng ngập mặn Cần Giờ (TP.HCM) đã được Chương trình Con người và Sinh quyển – MAB của UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển của thế giới – Ảnh: T.T.D.

Đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon 

* Quy mô thị trường carbon VN những năm tới dự báo sẽ thế nào, thưa ông? 

– Đề án phát triển thị trường carbon đang được bộ trình Thủ tướng phê duyệt, sau đó mới đánh giá kỹ quy mô thị trường. Tất nhiên, không phải đến năm 2025 sẽ yêu cầu tất cả 1.912 doanh nghiệp lên sàn giao dịch carbon mà sẽ có giai đoạn thí điểm. Giai đoạn đầu sẽ lựa chọn doanh nghiệp các ngành có phát thải lớn nhất, có đủ số liệu kiểm kê để kiểm soát trước.

Dự kiến sẽ áp trần phát thải carbon cho doanh nghiệp trong ba lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, sắt thép trước, sau đó sẽ tiến hành với lĩnh vực khác. Còn về giao dịch tín chỉ carbon tại VN thì từ giữa những năm 2000 một số doanh nghiệp đã bán tín chỉ carbon trên sàn quốc tế rồi. Đến nay, VN có hơn 100 dự án đã được cấp tín chỉ carbon để giao dịch trên sàn quốc tế. Các doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước đang có khoảng 41 triệu tín chỉ carbon, đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon.

Giờ chúng ta thúc đẩy việc giao dịch tín chỉ carbon thông qua việc lập sàn giao dịch carbon, hạn mức phát thải carbon tại VN. Sàn giao dịch tín chỉ carbon của VN giai đoạn đầu phục vụ các doanh nghiệp giao dịch hạn ngạch phát thải là chính.

* Chúng ta thực hiện áp trần phát thải cho từng doanh nghiệp để hướng tới nền sản xuất xanh. Vậy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang sản xuất xanh được lợi gì so với không chuyển đổi?

– Dù VN chưa ban hành quy định áp hạn ngạch phát thải khí nhà kính nhưng thời gian qua một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có liên quan tới nhôm, sắt thép, hóa chất, hydrogen khi xuất khẩu sản phẩm vào EU vẫn phải tuân thủ quy định của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon. Cơ chế này được EU áp dụng từ 1-10-2023 để ngăn chặn hàng hóa phát thải nhiều vào thị trường EU. Sáu nhóm hàng hóa bị EU áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon gồm: sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện, hydrogen.

Theo đó, các nước EU thực hiện áp trần phát thải khí nhà kính với các sản phẩm xuất khẩu vào EU. Nếu các sản phẩm xuất khẩu vào EU có lượng phát thải vượt ngưỡng cho phép sẽ phải chịu phạt khoảng 50 euro/tấn carbon phát thải. Bên cạnh đó người tiêu dùng nhiều nước EU không hoan nghênh, không muốn sử dụng các sản phẩm phát thải vượt ngưỡng quy định, không thân thiện với môi trường.

Sau EU, Mỹ đang dự kiến áp cơ chế điều chỉnh biên giới carbon với bảy nhóm hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 4-2024, gồm: dầu khí, khí đốt tự nhiên, phân bón, giấy, xi măng, thủy tinh, sắt thép. VN cũng sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu cam kết phát thải bằng 0.

Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sản xuất xanh 

* Chuyển sang sản xuất xanh DN sẽ phải bỏ chi phí để đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất, vậy Chính phủ sẽ có cơ chế gì để hỗ trợ DN chuyển sang sản xuất xanh? 

– Việc hình thành thị trường carbon chính là một giải pháp hỗ trợ các DN chuyển sang sản xuất xanh, bảo đảm hài hòa lợi ích của DN chuyển dịch sang sản xuất xanh với DN chưa chuyển đổi. Bên cạnh đó còn có cơ chế tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang trình Thủ tướng tiêu chí phân loại sản xuất xanh với các ưu đãi về thuế cho các DN sản xuất sản phẩm xanh.

Đạ Huoai là huyện cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng và có diện tích rừng khá lớn với hơn 33.483ha; trong đó có khoảng 24.575ha rừng tự nhiên và 4.672,32ha rừng trồng – Ảnh: T.T.D.

* GS Nguyễn Ngọc Lung (viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng): Cần đầu tư, nâng cao chất lượng rừng 

Hiện nay, tín chỉ carbon rừng mà một số đối tác đặt mua chỉ mới đang trong quá trình thử nghiệm. Trước đây rừng tự nhiên cho 400 – 500m3 gỗ/ha, tuy nhiên cũng là cánh rừng tự nhiên này đến nay chỉ cho 150 – 200m3/ha. Điều này cho thấy chất lượng rừng hiện nay không cao do nạn chặt phá, đốt rừng lấy gỗ, làm nương rẫy. Để cải thiện chất lượng rừng Nhà nước cần quan tâm đầu tư, tăng khối lượng gỗ sẽ đồng nghĩa với tăng hấp thụ carbon và nhờ đó tín chỉ carbon rừng cũng sẽ tăng lên.

* TS Lê Đăng Doanh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương): Chuyển từ sản xuất “nâu” sang “xanh” 

Biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức rất lớn đối với nhân loại, để giảm phát thải không còn cách nào khác các DN phải chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh”. Chuyển đổi sử dụng năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Nếu DN Việt không nhanh chóng chuyển đổi thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bị loại khỏi “cuộc chơi” khi đưa hàng hóa vào thị trường này.

Hiện DN ở nhiều quốc gia như Nhật Bản, Đức đã được chính phủ trợ cấp để phát triển kinh tế xanh. Theo tôi, Nhà nước cần có chính sách thiết thực như đầu tư kỹ thuật, nhân lực… để khuyến khích DN tham gia chuỗi phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chuyển đổi sản xuất từ “nâu” sang “xanh” là một thách thức rất lớn đối với DN. Tuy nhiên chúng ta cũng cần xem đây là thời cơ để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư phát triển.

* Thế giới: Nhu cầu về tín chỉ carbon tự nguyện ngày càng tăng 

Theo Hãng tin Reuters, hiện nay chi phí mua tín chỉ carbon trên thị trường tự nguyện (dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia để đáp ứng các chính sách về môi trường) vào khoảng 6 – 8 USD/tấn nếu là tín chỉ carbon rừng và thấp hơn nếu là năng lượng mặt trời hoặc gió.

Theo công ty cung cấp nền tảng mua bán tín chỉ carbon Carbonhalo (trụ sở ở Mỹ), giá của tín chỉ carbon có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như quốc gia bán, loại dự án mua. Ở nhiều thị trường, “giá rẻ” đồng nghĩa với “chất lượng thấp”. Trong thị trường tín chỉ carbon, tín chỉ carbon cũ hơn thì có thể rẻ hơn nhưng điều này không có nghĩa là mức bù đắp khác với tín chỉ carbon mới hơn.

Việc định giá tín chỉ carbon trên khắp thế giới chưa nhất quán, giá thị trường liên tục thay đổi ở các quốc gia. Theo Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện ngày nay chủ yếu giá được quyết định bởi quy luật cung cầu.

Ngoài tự nguyện còn có thị trường carbon bắt buộc được thiết lập thông qua những ràng buộc của các quốc gia đã ký và phê chuẩn nghị định thư Kyoto. Thị trường này chủ yếu dành cho các dự án trong Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc Đồng thực hiện (JI).

Theo Carbonhalo, nhu cầu về tín chỉ carbon tự nguyện ngày càng tăng và dự kiến sẽ tăng nhanh hơn khi ngày càng có nhiều công ty tìm cách giảm tác động đến môi trường. Điều này đang dần đẩy giá tín chỉ tự nguyện lên cao. Tuy nhiên, cho đến khi có những cách thức hợp lý hơn, có thể đo lường được để xác minh tín chỉ thông qua các tổ chức chứng nhận độc lập thì tín chỉ tự nguyện sẽ vẫn rẻ hơn tín chỉ bắt buộc.

Tháng 11-2023, đặc phái viên về khí hậu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói với Hãng tin Reuters rằng giá trung bình cho tín chỉ carbon phải tăng lên mức phù hợp, ít nhất là 25 – 35 USD/tấn để thúc đẩy các công ty gây ô nhiễm hành động vì khí hậu nhiều hơn.

Nhiều “ông lớn” muốn mua tín chỉ carbon

Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN được ra mắt tại TP.HCM để mua bán, trao đổi tín chỉ carbon – Ảnh: CT Group

Việt Nam lần đầu tiên thu về hơn 1.200 tỉ đồng nhờ bán tín chỉ carbon rừng. Nhưng không chỉ dư địa lớn từ rừng, ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, các dự án chuyển đổi năng lượng, thu gom và tái chế rác, nông nghiệp, lâm nghiệp… đều là những ngành có thể kiếm bộn tiền từ bán tín chỉ carbon.

Đến nay, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam mới trong quá trình xây dựng cơ chế để thí điểm từ năm 2025 và vận hành chính thức từ năm 2028. Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng hành lang pháp lý khơi thông sẽ giúp thị trường hàng tỉ USD này sôi động, nhiều ngành tăng nguồn thu từ bán tín chỉ carbon.

Trước các yêu cầu giảm phát thải CO2 ngày càng nghiêm ngặt, nhiều DN đã phải tìm kiếm các đối tác để mua tín chỉ carbon tại Việt Nam. Hiện nhiều DN, quỹ đầu tư đang ráo riết tìm kiếm các dự án để cung cấp nguồn carbon cho thị trường.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-1, ông Nguyễn Võ Trường An – phó tổng giám đốc Công ty CP Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA) – cho biết hiện có tám DN FDI lớn, có lượng phát thải nhà kính nhiều đã liên hệ với DN này để tìm kiếm nguồn tín chỉ carbon trong ngắn hạn. Ngoài ra, một số DN Việt sẽ chịu ảnh hưởng bởi thuế carbon khi xuất khẩu hàng sang châu Âu như lĩnh vực thép cũng liên hệ với CCTPA để tìm nguồn tín chỉ carbon và tư vấn giảm phát thải.

Theo ông An, trong tương lai, nhóm khách hàng bắt buộc thuộc DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh có lượng phát thải khí nhà kính vượt quá mức quy định của pháp luật trong nước và ngoài nước cũng sẽ mua tín chỉ carbon. Trong đó tập trung vào DN thuộc các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc, điện…

Tương tự, ông Vũ Chí Công – giám đốc quỹ đầu tư VinaCarbon (thuộc Vinacapital) – cũng cho biết hiện nay có hàng loạt đối tác quốc tế cũng như DN Việt thuộc các lĩnh vực như năng lượng, hàng không, dầu khí, công nghệ… có mức tiêu thụ năng lượng lớn cũng đang hợp tác với quỹ để mua các tín chỉ carbon. Theo ông Công, trên thị trường thế giới, các “ông lớn” cam kết đền bù phát thải tự nguyện như Lego, Apple, Microsoft, Spotify… đều là những DN đang có nhu cầu dùng tín chỉ carbon tự nguyện khá lớn.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai – chủ tịch Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) – cho biết giá trị của thị trường carbon toàn cầu đã lên đến hàng trăm tỉ USD trong năm 2020. Hiện nay, thị trường này đang được đánh giá là tăng trưởng rất nhanh theo yêu cầu cam kết của lộ trình net zero vào năm 2050. Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển. Với đặc thù về mật độ rừng tương đối dày, tầm 14,7 triệu ha (tương đương độ phủ 42%), Việt Nam có thể thu về hàng trăm triệu USD hằng năm thông qua hệ thống giao dịch quốc tế (ETS).

Ông Nguyễn Võ Trường An cho rằng thị trường tín chỉ carbon năm 2024 của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, với tiềm năng tăng trưởng lên đến 20%. Ông An cho rằng ngoài rừng, thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam còn có tiềm năng phát triển ở các lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo từ mặt trời, gió và thủy điện. Bên cạnh đó, trồng cây xanh đô thị cũng có thể giúp giảm thiểu hiệu ứng nhiệt đô thị, giảm phát thải khí nhà kính.

Trong khi đó, ông Phạm Đăng An – giám đốc VP Carbon Solutions – cho biết ngoài rừng, thời gian qua chúng ta cũng đã có một số dự án như bếp cải tiến, máy lọc nước cho cộng đồng thu nhập thấp… đã được phát hành tín chỉ carbon, sau đó cung cấp cho thị trường quốc tế. Theo ông An, thị trường carbon trên thế giới đang khá sôi động với sự tham gia của nhiều tập đoàn, DN lớn đặt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Trong xu hướng chuyển dịch xanh, số lượng các DN có nhu cầu cắt giảm lượng phát thải sẽ ngày càng tăng lên. Đây chính là nhóm khách hàng tiềm năng mua tín chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) tại Việt Nam.

Bài cùng chuyên mục

NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM TẠI CT GROUP: GIEO HẠT GIỐNG XANH VÀ YÊU THƯƠNG

Từ lâu, chương trình chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam đã trở thành hoạt…

ĐOÀN CỨU TRỢ CT GROUP MANG YÊU THƯƠNG ĐẾN PHÚ THỌ, YÊN BÁI, TUYÊN QUANG, LÀO CAI

Trong những ngày qua, chuyến xe chở đầy yêu thương từ Tập đoàn CT Group đã lăn…

LÒNG BIẾT ƠN VÀ VĂN HÓA KỶ LUẬT: KHÁM PHÁ NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẸP TRONG MÔI TRƯỜNG LÀM VIỆC

Ngày 24/8 vừa qua, tại Tập đoàn CT Group đã diễn ra workshop đặc biệt…

error: Content is protected !!