MỘT KHO BÁU CỦA TP.HCM SẼ THU RÒNG 1.500 TỶ MỖI NĂM? CHUYÊN GIA: PHẢI ĐO LƯỜNG LỖ HAY LÃI ĐÃ!

Kho báu này cũng đang trở thành động lực đặc biệt của đầu tàu kinh tế cả nước.

24 năm kể từ thời điểm UNESCO công nhận Rừng ngập mặn Cần Giờ là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, TP.HCM đang lên những kế hoạch biến vùng đất rộng 75.740ha này thành “mỏ vàng xanh”, vừa để tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vừa tạo ra nguồn tài chính bền từ bán tín chỉ carbon.

Một trong những kế hoạch mà thành phố đang triển khai trong lộ trình hướng đến kinh tế xanh, bền vững là thí điểm xây dựng Cần Giờ trở thành địa phương xanh, với kỳ vọng đưa Cần Giờ trở thành địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu “net zero” (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2035“, Chủ tịch Phan Văn Mãi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh 2023.

Trung tâm khoa học và hợp tác Net Zero Việt Nam – Asia (VANZA) đánh giá, tín chỉ carbon rừng đang được xem là nguồn lực mới cho Việt Nam nói chung và TP.HCM (tại huyện Cần Giờ) nói riêng. Theo một số ước tính sơ bộ hiện nay, nếu bán tín chỉ carbon (carbon credit), rừng Cần Giờ có thể thu khoảng 70 triệu USD, tương đương hơn 1.500 tỷ đồng, mỗi năm.

Tất nhiên, đó là nói về tiềm năng, còn thực tế phải nghiên cứu kỹ lưỡn, chuẩn bị rất nhiều mới có thể đem nguồn tài chính xanh thực thụ về cho Cần Giờ thông qua giải pháp tín chỉ carbon. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Võ Trường An – Phó TGĐ Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA).

– CCTPA hiện đã có nghiên cứu gì về tiềm năng khai thác tín chỉ carbon của Cần Giờ chưa, thưa ông?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Đúng là chúng tôi đang cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nghiên cứu về Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nói về tiềm năng tín chỉ carbon của Cần Giờ thì hiện tại, về mặt văn bản, vẫn chưa có một báo cáo hay số liệu chính thức nào về khu vực này.

Một mặt, TP.HCM vẫn tiến hành các hoạt động trồng mới ở những khoảng rừng có thể bị thoái hóa hoặc bị thiệt hại bởi thiên tai. Tuy nhiên, về mặt bảo tồn, bảo vệ rừng một cách bền vững thì chúng ta chưa có biện pháp trực tiếp cũng như lâu dài nào để ngăn cản sự thoái hóa và những tác động làm mất đi diện tích rừng.

Nghĩa là, chúng ta chưa có những phương pháp căn cơ vốn có tác động lớn vào diện tích rừng để giữ vững việc phủ xanh và tính hấp thụ carbon của rừng.

– Dù vậy, về mặt khoa học chúng ta có thể tạm ước tính trữ lượng tín chỉ carbon của Cần Giờ thành con số cụ thể không? Như ông cũng biết, một vài con số đã được đưa ra. Tôi cũng xin nhấn mạnh đó mới chỉ là ước đoán tiềm năng, rằng có thể sau này Cần Giờ sẽ thu mỗi năm khoảng 70 triệu USD chỉ riêng từ bán tín chỉ carbon?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Quả thực, Cần Giờ có diện tích rừng tự nhiên rất rộng lớn, nên dư địa về mặt giao dịch tín chỉ carbon của rừng Cần Giờ cũng là rất là lớn. Nhưng để đi đến con số cụ thể và chính xác nhất, thì tôi cho rằng chúng ta cần thực hiện nhiều bước, cần phương pháp luận cụ thể.

Cần phải hiểu là những dự án tín chỉ carbon về rừng, đặc biệt là khu vực rừng tự nhiên – không phải là khu vực rừng trồng mới – thì câu chuyện không phải là cái cây hay khu rừng đó hấp thụ bao nhiêu CO2 thì mình sẽ tạo ra được bấy nhiêu tín chỉ carbon, mà nó phụ thuộc vào đường cơ sở trong tính toán, triển khai nó sẽ như thế nào.

Sau khi chúng ta tác động những giải pháp để ngăn suy thoái rừng, mất rừng thì lượng hấp thụ CO2 của rừng tăng lên bao nhiêu thì vẫn phải dựa theo đường cơ sở để tính ra tín chỉ carbon một cách chính xác, chứ không phải dựa vào lượng hấp thụ CO2 của rừng để tính ra tín chỉ carbon của khu rừng đó.

Do đó, chúng ta cần có những bước khảo sát, làm những báo cáo cực kỳ chính xác thì mới ra con số cụ thể và chính xác nhất.

– Phương pháp khảo sát, hay, những công cụ khoa học để tính tín chỉ carbon?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Có nhiều phương pháp để tính toán tín chỉ carbon của rừng. Ở đây tôi nêu ra hai phương pháp chính.

Thứ nhất, phương pháp tính toán về mặt sinh khối. Trong sinh học hoặc lâm nghiệp, người ta thường gọi là tính toán bằng sinh khối. Ví dụ, cái cây ở một độ tuổi nào đó để tính ra được lượng CO2 mà nó có thể hấp thu và cố định trong thân cây thì phải nhờ đến phương pháp này.

Thứ hai, phương pháp sử dụng các bản đồ vệ tinh để đo được độ phủ xanh của khu rừng đấy, dựa trên một số thông số như loại cây được trồng trong rừng, trồng bao nhiêu lâu…

Tuy nhiên, số liệu từ phương pháp này sẽ không chính xác bằng phương pháp thứ nhất. Phương pháp này chỉ là cái căn cứ để mình làm các báo cáo tiền khả thi, chứ không phải là căn cứ cho các phương pháp luận để tạo thành hồ sơ nộp lên các tổ chức uy tín để thẩm định và cấp tín chỉ carbon như Verified Carbon Standard của VEGA.

– Ông có thể cho biết, rừng ngập mặn Cần Giờ có những loại cây gì và khả năng hấp thụ CO2 và nhả khí O2 của từng loại cây. Khả năng đó có khác nhau với từng loại cây khác nhau không?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Câu hỏi rất thú vị! Thực sự đúng là mỗi loại cây trồng khác nhau, mỗi loại thực vật khác nhau thì có khả năng hấp thụ/cố định CO2 và nhả O2 khác nhau.

Rừng ngập mặn Cần Giờ phần lớn là cây Đước. Khả năng hấp thụ và cố định CO2 của cây Đước rất là tốt. Tuy nhiên, cây Đước lại có một đặc điểm là thời gian sinh trưởng rất lâu.

Tôi lấy ví dụ, những cây lâm nghiệp khác như cây keo chẳng hạn, có thể chỉ mất 5-10 năm là đã trưởng thành, đã có thể hấp thụ một lượng carbon lớn rồi. Tuy nhiên, cây Đước mất 20 năm, thậm chí là 30 năm mới có thể làm được việc đó. Do đó, mỗi cây trồng lại có một phương pháp luận khác nhau và tính chất dự án hoàn toàn khác nhau.

– Cụ thể hơn thì trong thời gian tới, sẽ cần thực hiện những bước đi nào để biến lá phổi xanh Cần Giờ thành “mỏ vàng bền vững” từ việc giao dịch tín chỉ carbon?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Khoảng 2-3 tháng tới, hai bên sẽ thực hiện việc kiểm kê theo phương pháp luận để tính ra trữ lượng tín chỉ carbon có thể được tạo ra. Từ đó, mới có được báo cáo tiền khả thi để xem xét việc làm dự án tín chỉ carbon ở rừng ngập mặn Cần Giờ có khả thi hay không khả thi về mặt giải pháp, nhất là về mặt tài chính.

Báo cáo tiền khả thi này là căn cứ để xem xét việc có nên tiến hành dự án tín chỉ carbon ở Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ ở thời điểm này hay không, hay là phải chờ một thời gian nữa.

Tôi nói ví dụ. Ở thời điểm hiện tại, giá trung bình của một tín chỉ carbon mà Việt Nam có thể bán cho quốc tế khoảng từ 4-5 USD. Song song với đó, khi chúng ta tính ra số lượng tín chỉ carbon dự kiến có thể thu được trong báo cáo tiền khả thi rồi nhân lên để ra số tiền thực.

Đến đây, có một vấn đề xuất hiện.

Tôi giả sử, rừng ngập mặn Cần Giờ có thể tạo ra 1 triệu tín chỉ carbon. Với mức giá bán ra 4 USD, chúng ta thu về nguồn doanh thu dự kiến là 4 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, để có được 4 triệu USD đó thì chúng ta phải bỏ ra một khoản chi phí để cải tạo lại, trồng mới, hoặc phủ xanh một mảng rừng đã bị mất đi. Hay, chúng ta thực hiện các biện pháp rất cụ thể như tỉa cành để phục hồi khu rừng bị suy thoái v.v. Ví dụ tổng chi phí cho các hoạt động đó là 10 triệu USD.

Như vậy, về mặt tài chính, dự án của chúng ta đang lỗ, thậm chí còn không hòa vốn!

Do đó, những báo cáo tiền khả thi như vậy để phục vụ cho việc về mặt kỹ thuật, về mặt tài chính, dự án đó có khả thi để chúng ta thực hiện hay không, hay là chúng ta phải chờ thời điểm giá tín chỉ carbon tăng lên? Hoặc, chúng ta có nguồn tài chính xanh/quỹ tài chính xanh của quốc tế (như World Bank) hỗ trợ để chúng ta để chúng ta thực hiện dự án này hay không? v.v.

– Theo kinh nghiệm của cá nhân, ông có thể ước lượng thời điểm mà Cần Giờ có thể tạo ra “tiền tươi thóc thật” từ tín chỉ carbon hay không, sau khi đã có những báo cáo tiền khả thi?

Ông Nguyễn Võ Trường An: Dựa trên chuyên môn và kinh nghiệm, cá nhân tôi đánh giá, về mặt khả thi thì Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ thực sự khả thi trong việc tạo ra tiền từ giao dịch tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, về mặt cơ chế cũng như lộ trình thực hiện thì chúng ta phải có kế hoạch phù hợp. Để có kế hoạch phù hợp chúng ta cần phân kỳ giai đoạn ra. Còn phân kỳ như thế nào thì phải chờ báo cáo tiền khả thi thì UBND TP.HCM mới có thể quyết định chính xác được.

Vì như tôi đã nói, để làm được tín chỉ carbon rừng thì chúng ta cần nguồn tài chính để phát triển dự án, thành lập đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tiến hành khảo sát, cân đo đong đếm; đồng thời triển khai những loại công nghệ để phục vụ cho dự án. Sau đó chúng ta mới nắm được số lượng tín chỉ carbon, rồi mới tiến hành giao dịch với các bên có nhu cầu và ra “tiền tươi thóc thật” được.

Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ carbon ASEAN (CCTPA), với mục tiêu trở thành Sàn tín chỉ Carbon mạnh nhất ASEAN, đang hợp tác với TP.HCM và nhiều địa phương, doanh nghiệp để thực hiện đo kiểm khí nhà kính, tư vấn về tín chỉ carbon. Những đối tác đang làm việc với CCTPA gồm có VERRA (đơn vị thẩm định và cấp tín chỉ carbon hàng đầu thế giới hiện nay theo cơ chế Verified Carbon Standard) và ACX (sàn giao dịch tín chỉ carbon hàng đầu thế giới có trụ sở chính tại Dubai và Singapore).

Nguồn: cafef.vn

Bài cùng chuyên mục

HỘI THAO VÀ GALA DINNER 2024: HÀNH TRÌNH ĐẦY CẢM XÚC CỦA CÁC CHIẾN BINH

Hội Thao và Gala Dinner 2024 là một hành trình cảm xúc. Từ những phút…

ẤM LÒNG VỚI LỄ TRI ÂN CỦA CT GROUP ĐẾN CÁC THẦY CÔ GIÁO

Tối 18/11, tại trụ sở CT Group, sự kiện tri ân Nhà giáo Việt Nam…

CT SEMICONDUCTOR CÔNG BỐ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÀ MÁY THỦ ĐỨC

Ngày 16/11/2024, CT Semiconductor (thành viên Tập đoàn CT Group) chính thức công bố kế hoạch phát…

error: Content is protected !!